Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

CHÍNH KHÁCH ĐẠO VĂN

Từ cuối năm 2013, trên nhiều tờ báo lớn thế giới rộ lên những tin tức Tập Cận Bình vướng vào nghi án đạo văn (Plagiarism) trong khi viết luận án tiến sĩ.
Tờ Epoch Times cho biết: Nhà nghiên cứu Hong Kong Joe Chung khẳng định có đầy đủ cơ sở để kết luận Tập Cận Bình đã đạo văn trong khi hoàn thành luận án với đề tài “A Tentative Study on China's Rural Marketization” (luận án thuộc chuyên ngành Lý luận chủ nghĩa Mác và Giáo dục chính trị tư tưởng, bảo vệ năm 2002 tại Học viện Nhân văn - Xã hội, Đại học Thanh Hoa). Joe Chung chỉ ra rằng, Tập Cận Bình đã sao chép y nguyên nhiều nội dung trong báo cáo của các cơ quan hữu quan hoặc của một số công trình đã công bố có liên quan đến chủ đề luận án.

 Ví dụ như ở phần Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của đề tài, Tập Cận Bình đã bê nguyên xi hàng đoạn dài từ Văn kiện Về những vấn đề cơ bản trong lĩnh vực nông nghiệp được Đảng cộng sản Trung Quốc thông qua tại Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (10-1998) mà không hề dẫn nguồn.
Nhiều lập luận, kiến giải khoa học của Tập Cận Bình chẳng những không mới, mà còn giống hệt quan điểm của những công trình đã được công bố, giống như trong tập Tổng luận: “Bóc lột và phát triển kinh tế Trung Quốc” (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc, 1995); “Toàn cầu hóa và sự phát triển của nông nghiệp Trung Quốc” (tác giả Liu Hoyuy, xuất bản năm 2001).
Tờ Sentinel Asia đặt dấu hỏi nghi vấn về sự thăng tiến nhanh chóng đến đáng ngờ của Liu Hoyuy - tác giả cuốn sách “Toàn cầu hóa và sự phát triển của nông nghiệp Trung Quốc”. Sau khi Tập Cận Bình nhận bằng Tiến sĩ Luật, đường quan lộ của Liu Hoyuy rộng mở, Liu đã trở thành Giáo sư và Phó Viện trưởng Học viện Giang Hạ, tỉnh Phúc Kiến. Tờ Sentinel Asia nhận định: Nhiều khả năng, Liu Hoyuy chính là “người giấu mặt” đứng đằng sau luận án của Tập Cận Bình. Cũng không phải ngẫu nhiên mà không lâu sau buổi bảo vệ của Tập, Chen Xi – một thành viên có tầm ảnh hưởng trong Hội đồng chấm luận án đã được thăng chức và sau đó trở thành một quan chức cấp cao trong bộ máy chính phủ.
Tờ báo Anh Sunday Times không ngần ngại bình luận: Có dung lượng 161 trang in trên khổ giấy A4, luận án của Tập Cận Bình là sự lắp ghép nội dung các văn kiện, báo cáo của Đảng, Chính phủ Trung Quốc và một số công trình nghiên cứu nước ngoài được dịch  ra tiếng Trung. Luận án được tổ chức khá sơ sài, nhiều vấn đề chưa được soi tỏ, chưa được nghiên cứu sâu và đầy đủ. Cách thức trình bày, văn phong, diễn đạt… khiến người ta nghĩ rằng, rất có thể bản luận án đã được một nhóm người hợp lực viết nên và công việc cuối cùng còn lại của Tập Cận Bình có lẽ chỉ là sửa lỗi chính tả, chỉnh trang qua loa đôi chút.
Tờ báo Hong Kong Apple Daily nhận xét: Thời gian Tập Cận Bình học tập ở bậc nghiên cứu sinh (1988-2002) cũng là lúc Tập đảm nhận những chức vụ quan trọng cả về Đảng, chính quyền và quân đội như Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ nhiệm Hội đồng Động viên quốc phòng, Tỉnh trưởng tỉnh Phúc Kiến, tỉnh Chiết Giang. Bận bịu với công việc, thời gian dành cho luận án của Tập Cận Bình chắc chắn hết sức ít ỏi, thậm chí là hầu như không có. Bên cạnh đó, giống như nhiều lãnh đạo Trung Quốc khác, bằng con đường không chính quy tốt nghiệp phổ thông và đại học, thiếu kiến thức nền cũng như kiến thức chuyên sâu, vì thế, để hoàn thành luận án, Tập Cận Bình càng phải đầu tư rất nhiều thời gian. Đây là những nút thắt khó lý giải.
Một bằng chứng hiển nhiên, khó chối cãi mà tờ Asia Sentinel chỉ ra khi so sánh, phân tích những khổ luận án được cho là Tập Cận Bình đã “đạo” từ những công trình khác là Tập đã sao chép không sửa chữa cả những lỗi chính tả và lỗi đánh máy. Điển hình là những lỗi dịch thuật vụng về, lỗi kỹ thuật trong bản dịch các công trình công bố trên các tạp chí Khoa học của Trung Quốc (Martin, Will and Devashish Metra, 1993; Gimpel, Jean, 1997; Hayami, Yujiro and vernon W.Ruttan, 1986; Boserup, Ester, 1965; Lin, Justin Yifu,1988…) đã hiện nguyên hình trong bản luận án của Tập.
Trước những ồn ào nói trên, Đảng cộng sản, Nhà nước Trung Quốc chọn cách im lặng, không có bất kỳ một bình luận hoặc giải thích nào.
Trường hợp Tập Cận Bình đạo văn không phải là duy nhất. Năm 2006, Putin cũng rơi vào tình trạng dở cười, dở khóc khi hai nhà kinh tế tại Viện Brookings Igor Danchenko và Clifford Gaddy cáo buộc luận án 216 trang của ông có 140 trang cùng với các biểu đồ cóp từ cuốn sách Strategic Planning and Policy  (William King & David Cleland, 1979). Mặc dù tốt nghiệp ngành Luật và Học viện cao cấp An ninh, không hề có chuyên môn về khai thác mỏ, song Putin đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ với đề tài “Kế hoạch chiến lược về tái tạo nền tảng tài nguyên khoáng sản trong điều kiện hình thành quan hệ kinh tế thị trường (ở St Petersburg và khu vực Leningrad)” tại Viện Mỏ địa chất St. Petersburg dưới sự hướng dẫn của Viện trưởng Vladimir Litvinenko (Vladimir Litvinenko là một nhân vật có quan hệ khá gần gũi với Putin, hiện đang sở hữu 5% cổ phần của Tổ hợp khai thác mỏ và chế biến ở khu vực Murmansk "Apatit", nếu tính theo giá trị cao ngất của cổ phiếu "Apatit",  Litvinenko là một triệu phú đô la chính hiệu).
Câu chuyện một lần nữa lại được khuấy lên vào tháng 2-2013, khi Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev phát động cuộc chiến chống đạo văn; tuy nhiên, cũng giống như Trung Nam Hải, Điện Kremlin chọn cách im lặng.
Hiện tượng các chính khách vướng vào Scandal đạo văn không phải là hiếm gặp. Trong “danh sách đen” có các khuôn mặt nổi tiếng: Thủ tướng Rumani Victor Ponta, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Karl-Theodor zu Guttenberg, Tổng thống Hungary Pal Schmitt, Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu Silvana Koch-Mehrin, Thành viên Nghị viện châu Âu Jorgo Charzimarkakis, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và nghiên cứu Đức Annette Schavan, Kim Myung Soo, Ứng viên Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc, Chánh văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Huh Tae Yeol…Điều này không có nghĩa là chính trị gia đạo văn nhiều hơn người bình thường. Đơn giản chỉ vì học là những đối tượng bị “soi” nhiều hơn; vì thế, dễ bị phát hiện ra và bị phát hiện ra nhiều hơn mà thôi. Rút kinh nghiệm từ thực tế đó, có lẽ có không ít những chính trị gia đã từng đạo văn sẽ trở nên khôn ngoan hơn và trước khi thành người nổi tiếng, bước chân vào chính trường, sẽ âm thầm tìm cách che dấu hành động đó bằng cách dấu kín những luận án có “bằng cớ chết người”. Nếu như một chính khách có học vị tiến sĩ nhưng người ta không thể tìm đọc luận án của người đó ở bất kỳ nơi đâu, thì rất có thể vị chính khách đó đã gia nhập đội quân đạo văn từ trước đó rất lâu rồi. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!